HỆ THỐNG GIÁO DỤC NHẬT BẢN

Ngày đăng: 18/03/2021

Khái quát

Về mặt giáo dục, Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế gần như bằng không và 74.1% (năm 2010) số học sinh theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Điều này đã tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện hành đã được thiết lập ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào giữa những năm 1947 và 1950, lấy hệ thống của Mỹ làm kiểu mẫu. Nó bao gồm 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), tiếp theo đó là 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học. Đã có những động thái nhằm hiện đại hoá chương trình giảng dạy. Tỷ lệ thanh niên cả nam lẫn nữ tiếp tục học lên trung học phổ thông và bậc đại học sau khi đã kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc đã gia tăng. Trình độ chung của giáo dục đã được cải thiện, nhưng đồng thời, một số tác động tiêu cực đã nảy sinh do việc gia tăng số học sinh hoặc do chế độ nghiêm ngặt của hệ thống giáo dục.

Trong số các vấn đề phát sinh, nghiêm trọng nhất có lẽ là vấn đề thi cử. Trong xã hội hậu Minh Trị, sự phân biệt giai cấp còn nặng nề hơn ngày nay rất nhiều, giáo dục được xem là con đường duy nhất dẫn đến cơ hội bình đẳng. Trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thái độ này đã gia tăng, tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt để giành được chỗ học trong các trường nổi tiếng. Khi đi xin việc làm, người ta thường có khuynh hướng chỉ đánh giá ứng viên xin việc qua cái mác trường đại học người đó đã tốt nghiệp. Chính vì vậy, để xin được việc làm tốt ở một hãng lớn, các phụ huynh phải lo cho con em mình vào học ở một trường trung học nổi tiếng. Cứ thế, sự cạnh tranh thi cử lan dần xuống tới tiểu học. Nhiều học sinh đã theo học tại các trường được gọi là trường dự bị hay trường luyện thi, hoặc theo học những giờ luyện thi do các giáo viên tư nhân dạy.

Sơ đồ hệ thống trường học ở Nhật

Tham khảo: Bộ giáo dục (Sách hướng dẫn học tập, tháng 4 năm 2005)

 

  • Trường chuyên tu chia làm 3 loại : Khóa cao đẳng (dành cho người đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở), khóa chuyên môn (dành cho người đã tốt nghiệp phổ thông trung học, đại học/ đại học ngắn hạn), khóa tổng quát( không qui định để vào. Trường chuyên tu có khóa cao đẳng được gọi là trường chuyên tu cao đẳng, trường chuyên tu có khóa chuyên môn được gọi là trường chuyên môn.
  • Trường tổng hợp thì có trường luyện thi, trường bảo trì xe hơi, trường quốc tế…

[Tham khảo] Chi phí học tập 1 năm cho mỗi 1 người học mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học

【Phí giáo dục ( học phí, quĩ lớp, đi lại, đồng phục …), phí ăn trưa trong trường, phí hoạt động ngoài trường】

(đơn vị: yên)

 

Phân cấp Mẫu giáo Trường tiểu học Phổ thông cơ sở Phổ thông trung học
Công lập Tư lập Công lập Tư lập Công lập Tư lập Công lập Tư lập
Chi phí giáo dục 129,581 358,313 54,929 835,202 131,501 990,398 237,669 685,075
Phí ăn trưa trong trường 18,834 28,078 42,227 46,052 35,448 9,429 ・・・ ・・・
Phí hoạt động ngoài trường 83,505 151,127 206,937 584,069 292,562 278,863 155,795 237,641
Tổng chi phí học tập 231,920 537,518 304,093 1,465,323 459,511 1,278,690 393,464 922,716

Nguồn: Điều tra về tiền học, niên khóa 2010(Bộ giáo dục)

 

Chế độ giáo dục

Ở Nhật vào năm 1994 cũng đã phê chuẩn “ Điều ước về quyền lợi của trẻ em” được đưa ra tại Liên hiệp quốc năm 1989. Trong điều ước này, việc bảo vệ quyền lợi được học hành của trẻ em được qui định. Ở Nhật thì phu huynh của trẻ em người nước ngoài phải có nghĩa vụ cho con em được tiếp nhận giáo dục phổ thông, trẻ em có quyền được đi học.

(1) Chế độ 6-3-3-4

Chế độ giáo dục của Nhật cơ bản là trường tiểu học 6 năm, phổ thông cơ sở 3 năm, phổ thông trung học (cấp 3)3 năm, đại học 4 năm (đại học ngắn hạn 2 năm).

(2) Giáo dục nghĩa vụ

Trong các trường này, trường tiểu học và phổ thông cơ sở là giáo dục nghỉa vụ, toàn bộ trẻ em phải nhập học và tốt nghiệp. Giáo dục nghĩa vụ là nghĩa vụ đối với công dân Nhật, nhưng trẻ em có quốc tịch nước ngoài từ tròn 6 tuổi đến 15 tuổi đang sống ở Nhật thì nếu muốn, bất kể quốc tịch nào đi chăng nữa cũng có thể vào học các trường tiểu học và phổ thông cơ sở của địa phương với cùng một chi phí như người Nhật. Quý vị phụ huynh nên suy nghĩ đến tương lai của con em mà tiến hành việc nhập học và vào học một cách tích cực.

(3) Ngoài ra

Đa số các trẻ em của Nhật sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở thì học tiếp lên phổ thông trung học và đại học. Phổ thông trung học và đại học thì trên nguyên tắc, người muốn học sẽ thi nhập học và vào học.

Ngoài ra, còn có trường mẫu giáo cho trẻ em trước khi vào học tiểu học. Thêm nữa, có các trường chuyên tu và tổng hợp dạy kỹ thuật và kiến thức cần thiết để đi làm dành cho đối tượng chủ yếu là người đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Cũng có trường giáo dục hỗ trợ đặc biệt dành cho các em bị khuyết tật.

Phân loại trường học và kỳ nghỉ

(1) Trường quốc lập/công lập và trường tư lập

Trường học có 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Nếu là trường tiểu học và phổ thông cơ sở công lập, theo nguyên tắc thì trường mà mình sẽ vào học được qui định tùy theo nơi mà mình đang sinh sống, vì vậy không cần phải thi vào. Trường tư lập thì phải thi và chỉ có thể nhập học nếu thi đậu.

(2) Năm học, học kỳ, kỳ nghỉ

Trường học của Nhật bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 của năm sau. Năm học ở đa số các trường chia làm 3 học kỳ. Học kỳ 1 từ tháng 4 đến tháng 7, học kỳ 2 từ tháng 9 đến tháng 12, học kỳ 3 từ tháng 1 đến tháng 3. Giữa các học kỳ có kỳ nghỉ hè dài khoảng 40 ngày, kỳ nghỉ đông và kỳ nghỉ xuân khoảng 2 tuần.

  • Một số các trường học thì năm học chia làm 2 học kỳ. Nếu là trường theo chế độ 2 học kỳ thì kỳ 1 (tiền kỳ) bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, kỳ 2 ( hậu kỳ) từ tháng 10 đến tháng 3), ngoài kỳ nghỉ hè, đông , xuân còn có kỳ nghỉ thu giữa 2 học kỳ (khoảng từ 4 ~ 6 tuần).

Giáo dục phổ thông

So với các chương trình giáo dục của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, chương trình giáo dục của Nhật khá nghiêm khắc. Niên học bắt đầu từ tháng tư cho đến tháng ba năm sau. Kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 6 tuần, nghỉ đông và xuân khoảng 2 tuần. Ngày học thường bắt đầu từ 8:30 sáng đến 15:00 chiều. Một tuần học 5 ngày, từ thứ hai đến thứ sáu. Sau giờ học, phần lớn các học sinh ở lại tham gia các câu lạc bộ thể thao hoặc các hoạt động khác. Không có những khóa học về kỹ thuật hay ngành nghề trong những năm giáo dục bắt buộc. Hơn nữa, không có hệ thống định hướng nào trong các trường tiểu học công và trung học bậc thấp. Trong các trường trung học bậc cao, khoảng 70% học sinh theo các chương trình đại cương.

Hiện nay Nhật đang nghiên cứu cải cách nội dung giáo dục. Cuộc cải cách giáo dục ở Nhật Bản nhằm vào các mục tiêu: tăng tầm quan trọng đặc biệt việc phát triển của từng cá nhân; chuyển sang hệ thống giáo dục học tập suốt đời; tạo sự cân bằng giữa các kiến thức truyền thống với các kiến thức công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay tại Nhật Bản phục vụ xu hướng quốc tế xã hội và thời đại thông tin.

Giáo dục trước khi đi học

Giáo dục trước khi đi học được tiến hành ở mẫu giáo cho đối tượng là trẻ em trước khi vào học tiểu học

Mẫu giáo

Mẫu giáo là cơ sở giáo dục cho trẻ em từ 3 tuổi cho đến trước khi vào tiểu học. Mẫu giáo có các loại quốc lập, công lập và tư lập do nhà nước, các đoàn thể tự trị địa phương và tổ chức pháp nhân thiết lập. Tùy mỗi khu vực mà có tiền trợ cấp cho trẻ đang học mẫu giáo tư nhân.

  • Có những cơ sở gọi là nhà trẻ, nơi nhận giữ trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn bé cho những phụ huynh không thể giữ con.

 

 

             Mẫu giáo công lập                            Mẫu giáo tư lập
Đối tượng vào mẫu giáo Trẻ em 4 ~ 5 tuổi sống trong khu vực đi mẫu giáo (có địa phương nhận cả trẻ 3 tuổi). Từ 3 ~ 5 tuổi
Thời gian giữ Từ 9 giờ ~ 14 giờ. Nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật, các ngày lễ, các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ xuân.  Khác nhau tùy vào mỗi trường mẫu giáo
Đăng ký Khoảng từ cuối tháng 10 ~ đầu tháng 11 Khoảng từ tháng 10 ~ đầu tháng 11
Phát, nhận đơn xin vào Các trường mẫu giáo Các trường mẫu giáo
Phí tổn Phí nhập trường (khi vào mẫu giáo), phí nuôi giữ trẻ Ngoài phí nhập trường, phí nuôi giữ trẻ, có trường mẫu giáo còn thu thêm phí xây dựng cơ sở vật chất, đóng góp quĩ .v.v… Ngoài ra, khi nhập trường, có những trường mẫu giáo tiến hành phỏng vấn, thi vào trường. Trong trường hợp đó, bạn cần phải nộp thêm phí tuyển chọn.
Khu vực đi mẫu giáo Địa phương nơi bạn đang sinh sống Không giới hạn
Ngoài ra Khi đi học mẫu giáo, cần phải có phụ huynh đưa đón và mang theo cơm hộp. Phí tổn … khác nhau tùy địa phương, cho nên hãy hỏi chi tiết tại bộ phận giáo dục của phòng hành chính khu vực Tùy địa phương mà có cấp thêm tiền hỗ trợ phí nhập trường,hỗ trợ phí nuôi giữ trẻ, tiền khích lệ đi học mẫu giáo. Mỗi một trường mẫu giáo tư có phương châm giáo dục đặc thù riêng, cho nên việc hỏi chi tiết tại các trường mẫu giáo là rất quan trọng.

 

Đây là cơ sở có cả kỹ năng mẫu giáo lẫn kỹ năng nhà trẻ, nhận giáo dục trẻ ở mẫu giáo và nuôi giữ trẻ ở nhà trẻ cho dù phụ huynh có đi làm hay không đi làm. Ngoài ra, toàn bộ các gia đình đang nuôi con nhỏ đều có thể nhận được hỗ trợ ví dụ như tư vấn về việc nuôi con.

Vườn trẻ có 4 loại hình: Loại liên kết nhà trẻ với trường mẫu giáo, mẫu giáo, nhà trẻ và cơ sở không được công nhận, mỗi nơi có thiết bị và phương pháp quản lý khác nhau, cho nên cần xác nhận lại nội dung cho rõ ràng.

Làm đơn xin: Xin trực tiếp tại vườn trẻ được công nhận.

Phí tổn: Là số tiền phải trả do các vườn trẻ được công nhận qui định. Tiền đóng nhà trẻ được qui định tùy theo tình trạng và thu nhập của phu huynh.

Chế độ hỗ trợ: Ở trường mẫu giáo có những chế độ như tiền hỗ trợ khích lệ đi mẫu giáo. Nếu sử dụng chế độ này, xin hỏi bộ phận sức khỏe phúc lợi của các địa phương.

Trường cấp 1, cấp 2

Ở Nhật thì trường tiểu học (6 năm) và phổ thông cơ sở (3 năm) là giáo dục nghĩa vụ. Trong sinh hoạt học đường, có những tập quán, sự kiện, qui tắc chỉ có ở Nhật. Các bạn hãy hiểu những chuyện đó, cố gắng làm sao cho con em mình an tâm, vui vẻ tham gia sinh hoạt trong trường học.

1. Tuổi đi học

Tuổi đi học là độ tuổi thích hợp để vào trường học. Trẻ vào học tiểu học tròn 6 tuổi, trẻ vào học phổ thông cơ sở tròn 12 tuổi. Trẻ em người nước ngoài thì theo nguyên tắc cũng vào năm học tương đương với độ tuổi.

2. Phí tổn

  • Trường quốc lập và công lập

Tiền nhập học vào trường tiểu học và phổ thông cơ sở, học phí, tiền sách giáo khoa thì miễn phí, nhưng tự mình phải chịu những phí tổn như tiền giáo trình ngoài sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tiền ăn, tiền du ngoạn, đồng phục …

  • Trường tư Tự mình phải trả những khoản như tiền nhập học, học phí …

3. Thủ tục nhập học

Khi muốn cho con vào học trường tiểu học hoặc phổ thông cơ sở công lập, nếu bạn đi đến phòng hành chính khu vực hoặc ban giáo dục nơi bạn đang sống và truyền đạt nguyện vọng muốn vào học trường của Nhật, bạn sẽ được trao “ Đơn xin nhập học”. Hãy ghi những mục cần thiết vào đơn và nộp. Để xin nhập học, cần phải có thẻ chứng minh đăng ký ngoại kiều của con và phụ huynh. Thủ tục thì có thể làm bất cứ lúc nào. Khi muốn cho con bạn vào học trường quốc tế hoặc trường tiểu học, phổ thông cơ sở quốc lập/ tư lập, bạn hãy đến xin trực tiếp tại trường đó.

  • Bản hướng dẫn nhập học sẽ được gửi tới phụ huynh nào đăng ký ngoại kiều và có con đến tuổi học tiểu học vào năm sau. Trong bản hướng dẫn nhập học có ghi trường sẽ vào học và ngày khám sức khỏe (khám sức khỏe trước khi đi học) để đi học.
  • Cũng có trường hợp giấy cho phép nhập học nhập học không được gửi đến, vậy nếu con bạn gần 6 tuổi, hãy nhanh chóng đến phòng hành chính khu vực hoặc ban giáo dục hỏi cho rõ.
  • Thủ tục nhập học

① Quyết định địa chỉ

② Đăng ký ngoại kiều

③ Nhận thẻ chứng minh đăng ký ngoại kiều

④ Nộp đơn xin nhập học cho phòng hành chính khu vực

⑤ Giấy cho phép nhập học sẽ được gửi tới từ ban giáo dục của khu vực

⑥ Đi đến trường được chỉ định làm thủ tục nhập học

Do chế độ quản lý lưu trú mới và chế độ đăng ký cư trú cơ bản của cư dân người nước ngoài sắp bắt đầu, dự kiến rằng các mục có liên quan sẽ thay đổi. (Dự định sẽ bắt đầu chế độ mới từ ngày 9 tháng 7 năm 2012)

4. Thủ tục chuyển trường (nhập học giữa chừng)

Nếu có nguyện vọng muốn chuyển vào trường tiểu học hoặc phổ thông cơ sở công lập, hãy làm thủ tục chuyểntrường tại phòng hành chính khu vực nơi mình sống. Sau đó , vào học tại trường được chỉ định vào ngày đã được chỉ định.Trên nguyên tắc, sẽ theo hôc năm học tương ứng với độ tuổi, nhưng do những chuyện như năng lực tiếng Nhật…, có thể học ở lớp dưới tạm một thời gian. Vì vậy, khi thấy bất an, bạn hãy tư vấn với ban giáo dục của địa phương hoặc thầy cô trong trường.

Ngoài ra, khi muốn cho con bạn vào học trường quốc tế hoặc trường tiểu học, phổ thông cơ sở quốc lập/ tư lập, bạn hãy đến xin trực tiếp tại trường đó.

5. Sinh hoạt học đường (trường hợp trẻ con chưa vững tiếng Nhật)

Học bằng tiếng Nhật. Vì thế, ở nhiều trường tiểu học và phổ thông cơ sở có dạy tiếng Nhật cho những em chưa rành tiếng Nhật. Để các em nhanh chóng quen với sinh hoạt bằng tiếng Nhật, nhà trường tổ chức dạy tiếng Nhật và hướng dẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu cảm thấy bất an về mặt ngôn ngữ, trước tiên, hãy tư vấn với thầy cô trong trường.

6. Sinh hoạt học đường (các hoạt động)

Ở trường học có nhiều hoạt động khác nhau. Nhà trường thường gửi trước thông báo về hoạt động của nhà trường. Cũng để quen với cuộc sống ở Nhật, hãy tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Nhà trường có những hoạt động như sau:

7. PTA

Ở trường có một tổ chức của phụ huynh và giáo viên được gọi là PTA. Đây là một tổ chức mà cha mẹ của các em đang theo học tại trường và các thầy cô hợp tác với nhau tạo ra đủ thứ hoạt động vì trẻ em.

8. Chăm sóc học trò sau giờ học (câu lạc bộ học trò, câu lạc bộ nhi đồng)

Các lớp nhỏ (từ lớp 1 đến lớp 3) của tiểu học mà phụ huynh không có ở nhà vào ban ngày thì có câu lạc bộ học trò làm nơi sinh hoạt cho các em sau giờ tan học, nhằm dưỡng dục cho các em một tinh thần và thể chất tráng kiện thông qua những trò chơi thích hợp.

9. Sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở

Có nhiều phương pháp để tiếp tục học sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Có những cách như là tiếp tục học ở trường phổ thông trung học, trường cao đẳng chuyên môn, học lên trường chuyên tu, trường tổng hợp, trường việc làm, hoặc vừa làm vừa học ở các trường phổ thông trung học có chế độ học ngoài giờ (ban đêm/ban ngày) hoặc học từ xa.

Trường phổ thông trung học

Trường phổ thông trung học (koutougakkou) nói chung được gọi là koukou (dưới đây sẽ gọi là trường cấp 3). Khoảng trên 90% người Nhật học lên cấp 3. Cũng giống như trường tiểu học và phổ thông cơ sở, trường cấp 3 có 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Trường công lập thì có giới hạn tùy theo khu vực bạn sinh sống.

Tuy nhiên, vì trường cấp 3 không phải là giáo dục nghĩa vụ nên bạn phải tự mình trả các khoản như tiền nhập học, tiền học phí, tiền sách giáo khoa …

1. Để vào nhập học

Để vào học trường cấp 3 thì phải thi đậu kỳ thi vào các trường trường cấp 3. Có cả những trường mà nếu thành tích học tập xuất sắc, hoặc giỏi về một chuyên môn nào đó, có thể vào học theo chế độ nhập học tiến cử với hình thức thi khác như thi phỏng vấn .v.v... Ngoài ra, còn có cả những trường có khung đặc biệt cho người nước ngoài, vậy bạn hãy hỏi trường mà bạn muốn vào học.

2. Điều kiện

Sắp tốt nghiệp phổ thông cơ sở của Nhật, hoặc nếu được công nhận là có học lực tương đương với tốt nghiệp phổ thông cơ sở của Nhật trở lên, thì có thể thi vào trường cấp 3. Những người tốt nghiệp phổ thông cơ sở ở nước ngoài cần phải có giấy chứng minh.

3. Kỳ thi công nhận đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở

Đây là kỳ thi quốc gia để nhận định có học lực trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở hay chưa, và những người đậu được nhập học (dự thi) vào trường cấp 3. Người có quốc tịch nước ngoài thì bất cứ ai cũng có thể dự thi nếu tròn 15 tuổi tính đến ngày 31 tháng 3 năm đó.

4. Các loại trường cấp 3

Hãy bàn bạc với thầy cô của trường phổ thông cơ sở về việc mình có nguyện vọng học trường nào, khoa nào.

(1) Khoa

Có phân khoa phổ thông, khoa chuyên môn (khoa công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp …), khoa tổng hợp.

(2) Khóa học

Tùy theo hình thái của giờ học mà phân chia thành khóa học suốt ngày, ngoài giờ, học từ xa …

  • Học suốt ngày: Học ban ngày, học 3 năm
  • Học ngoài giờ: Vừa làm vừa học vào ban đêm (hoặc ban ngày), học trên 3 năm
  • Học từ xa: Học ở nhà (1 tháng có khoảng 2 buổi hướng dẫn học tại trường)

Trường học cho người nước ngoài

Ở Nhật có trường cho người nước ngoài có thể học bằng tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Bồ Đào Nha … Nhiều trường cho người nước ngoài theo cơ chế trường tổng hợp dựa theo luật gọi là luật giáo dục trường học của Nhật, tùy theo trường đại học của Nhật nhưng cũng có những trường không công nhận kỳ thi của người tốt nghiệp trường cho người nước ngoài. Tuy nhiên, tùy theo trường cho người nước ngoài mà cũng có những trường hợp vẫn có đủ điều kiện thi vào đại học và cao học của Nhật. Vì vậy, hãy hỏi chi tiết tại các trường cho người nước ngoài.

Ngoài trường phổ thông trung học, còn có các trường cao đẳng chuyên môn đào tạo kỹ thuật viên chuyên môn, trường chuyên tu dạy nghề thực tiễn, kỹ thuật chuyên môn, trường tổng hợp dạy về may vá, kế toán, thủ quĩ , bảo trì xe hơi, nấu bếp/ dinh dưỡng, cắt tóc, chăm sóc sắc đẹp, vi tính, hội thoại tiếng Anh, công nghiệp …

Giáo dục bậc Đại học

Các trường đại học

Mô hình các trường đại học như hiện nay chỉ mãi tới sau thời Minh Trị mới xuất hiện ở Nhật Bản do có sự tiếp thu nhanh chóng các ngành học của phương Tây và sự xuất hiện ngày càng nhiều học giả nổi tiếng cung cấp cho đất nước Nhật Bản mới những nhà lãnh đạo xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Đến Chiến tranh thế giới thứ hai, nền giáo dục đại học của Nhật Bản tập trung ở 8 trường “Đại học Hoàng gia” và có thêm một vài trường cao đẳng hoặc đại học tư nhân.

Do cải cách giáo dục sau chiến tranh đã cho ra đời một số lớn các trường đại học theo hệ thống mới dập khuôn theo các mô hình của Mỹ. Số trường đại học quốc lập đã tăng lên, mỗi tỉnh có ít nhất một trường và đến năm 2011 đã có tổng cộng 86 trường. Ngoài ra, nếu tính cả những trường có chương trình học chỉ 4 năm, thì còn có thêm 95 trường đại học công lập ở các tỉnh, thành phố và 599 trường đại học dân lập. Tổng số sinh viên đại học hiện nay gấp 29 lần số sinh viên trước Chiến tranh thế giới thứ hai và khoảng 73,5% trong số này theo học ở các trường đại học dân lập.

Số trường đại học tăng nhanh chóng đã mở cửa cho nhiều học sinh vào học đại học. Nhưng mặt khác, một điều không thể phủ nhận là trình độ chung về giáo dục và nghiên cứu khoa học đã giảm sút. Việc nhiều học sinh tìm mọi cách để vào được các trường đại học danh tiếng có truyền thống đã làm cho kỳ thi vào các trường này trở thành những cuộc chạy đua ngày càng tồi tệ. Trong khi đó, những học sinh muốn học tập nghiêm túc hơn phải theo học các khoá sau đại học. Những trường đại học ngắn hạn hệ 2 năm hầu hết dành cho nữ sinh muốn tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp trung học.

Thời gian chương trình đại học là 4 năm (với các ngành y, thú y là 6 năm), chương trình thạc sĩ là 2 năm, tiến sĩ là 3 năm (với ngành y và thú y là 4 năm, không có thạc sĩ). Giống như các nước khác, cơ chế giáo dục đại học của Nhật gồm có 3 loại:

  • Đại học quốc lập (do chính phủ trung ương thành lập ở các đô thị lớn trên toàn quốc)
  • Đại học công lập (do chính quyền địa phương lập ra với ngân sách của mình)
  • Đại học tư lập (của tư nhân, đoàn thể tôn giáo hay các doanh nghiệp)

Đại học của Nhật có 2 hình thức tổ chức: chuyên khoa (chỉ giảng dạy một ngành) chiếm khoảng 53% và đa khoa (giảng dạy nhiều ngành, theo nhiều khoa, trong đó lại có nhiều phân khoa khác nhau) chiếm 47%. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng như các ngành khoa học kỹ thuật chiếm phần lớn với khoa học xã hội 39,6%, khoa học nhân văn 16,6%, khoa học kỹ thuật 18,6%. Bên cạnh đó là các ngành nông nghiệp 2,8%, y và nha 2,6%, dược 1,5%, sư phạm 5,4%, gia chánh 1,9% và các ngành khác 7,4% (thống kê tháng 5/2001).

Năm học ở Nhật Bản bắt đầu vào 1 tháng 4 hàng năm và kết thúc vào 31 tháng 3 năm sau. Số ngày nghe giảng ở trường là khoảng 210 ngày (khoảng 35 tuần) bao gồm cả những kì thi học kì. Kì nghỉ hè thường từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, tuy nhiên giữa các trường có khác nhau chút ít. Kì nghỉ đông thường từ cuối tháng 12 đến đầu tháng giêng và nghỉ xuân từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4. Hầu hết các trường đại học có hai học kì. Các môn học được bố trí rải đều trong cả năm. Các trường học đều áp dụng hệ thống học phần trừ các khóa học về ngành y và nha khoa. Cuối mỗi khóa học, sinh viên phải qua kì kiểm tra đã định kết thúc môn học. Thông thường, các môn thi ở Nhật đều thi viết, không thi vấn đáp. Mặc dù có khác nhau giữa các trường, nhưng nhìn chung, để tốt nghiệp, sinh viên thường phải hoàn thành tối thiểu khoảng 124 học phần (trừ các sinh viên y khoa, nha khoa và thú y). Khi sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, có thể tiếp tục học các khóa sau đại học với điều kiện phải qua được kỳ thi tuyển chọn vào viện đại học do các trường tổ chức. Chi tiết về các kì thi tuyển chọn này sẽ được hướng dẫn cụ thể trong các cuốn sách “Hướng dẫn thi” do các trường phát hành. Tương tự, sinh viên đã tốt nghiệp các khóa thạc sĩ có thể tiếp tục khóa đào tạo tiến sĩ, với điều kiện thi đỗ kỳ thi tuyển chọn do các trường tổ chức.

Những người hoàn thành khóa học Thạc sĩ thì được cấp giấy chứng nhận học vị Thạc sĩ (Master - Shushi) và những người hoàn thành khóa Tiến sĩ thì được cấp giấp chứng nhận học vị Tiến sĩ (Doctor - Hakase). Học vị Thạc sĩ được phong cho sinh viên đã hoàn thành tối thiểu số học phần yêu cầu (30 học phần) trong thời gian tối thiểu 2 năm và qua kì thi bảo vệ luận văn Thạc sĩ; học vị Tiến sĩ được phong cho những ai theo học suốt 5 năm (với sinh viên tốt nghiệp đại học) và 3 năm (với sinh viên đã tốt nghiệp khóa thạc sĩ) và đã hoàn thành số học phần yêu cầu về chuyên môn, đồng thời qua được kì thi bảo vệ luận văn Tiến sĩ. Một số trường đại học của Nhật Bản cho phép những sinh viên xuất sắc rút ngắn thời gian học để lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về học phần và luận văn tốt nghiệp. Trong quá trình học tập và nghiên cứu để nhận bằng Tiến sĩ bạn sẽ còn phải hoàn thành một số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế hoặc Nhật Bản.

Tỉ lệ sinh viên theo học lên các khóa học thạc sĩ và tiến sĩ khá cao, lần lượt là 10,7 % và 16,7%. Tại các trường đại học quốc lập, tỷ lệ này là 30,3% và 19,1%. Việc các tập đoàn lớn thiết lập các trung tâm nghiên cứu tư, tuyển dụng những sinh viên đã qua đào tạo sau đại học khiến số lượng sinh viên theo học các khóa đào tạo này tăng lên đáng kể từ sau những năm 1970.

Mỗi trường đều có sổ tay hướng dẫn cụ thể được viết bằng tiếng Nhật, một số trường có sách viết bằng tiếng Anh. Bạn nên xem cuốn sổ tay hướng dẫn này hay hỏi trường học nơi bạn vào học về những thông tin chi tiết liên quan về trường học.

Đại học và đại học ngắn hạn

Trường dành cho người đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc người có học lực tương đương tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên thì có trường đại học và trường đại học ngắn hạn.

(1) Đại học và đại học ngắn hạn là gì

Đại học và đại học ngắn hạn có 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Một số khu vực còn có trường đại học do công ty cổ phần thiết lập. Đại học ngắn hạn nói chung được gọi là tandai (sau đây sẽ gọi là đại học ngắn hạn) Thời gian học đại học là 4 năm, cao đẳng là 2 năm.

(2) Để vào học đại học và đại học ngắn hạn

Để vào học đại học và đại học ngắn hạn thì phải thi nhập học, nhưng có rất nhiều trường đại học theo chế độ tiến cử. Ngoài ra, tiền học phí, điều kiện cũng khác nhau tùy trường. Xin hỏi chi tiết tại trường đại học.

(3) Điều kiện

Về cơ bản, nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau thì bất cứ ai cũng có thể dự thi.

  • Tốt nghiệp phổ thông trung học của Nhật hoặc của nước ngoài
  • Thi đậu kỳ thi công nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học
  • Có bằng tú tài quốc tế (International Baccalaureate), tròn 18 tuổi tính đến ngày 1 tháng 4 năm nhập học.

(4) Thi nhập học

Thi nhập học vào các trường đại học quốc lập và công lập chia làm 2 lần: Kỳ thi trung tâm thứ nhất mà toàn bộ các thí sinh phải tham gia (gọi là Center shiken), kỳ thi thứ hai do các trường đại học thực hiện (gọi là Niji shiken). Thi nhập học vào trường đại học tư lập thì khác nhau về môn thi và ngày thi tùy thao mỗi trường.

Các trường cao đẳng kỹ thuật

Chế độ giáo dục này được chính thức thành lập vào năm 1962, chú trọng đến các ngành công nghiệp (kiến trúc, điện cơ, cơ khí) nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp của Nhật Bản. Sau này còn mở rộng chuyên môn sang những ngành khác như kỹ thuật hàng hải và công nghệ thông tin. Mục tiêu của các trường cao đẳng kỹ thuật (Koto senmon gakko) là nhằm giúp học sinh nắm vững lý thuyết cơ bản của ngành nghề theo học, đồng thời biết áp dụng những kỹ thuật đó qua quá trình thực tập trong thời gian học kéo dài 5 năm.

Đối tượng học cao đẳng kỹ thuật là những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, họ có khả năng lựa chọn hoặc kiếm việc làm, hoặc tiếp tục học tiếp 2 năm chuyên môn tại một trong 9 trường cao đẳng kỹ thuật quốc lập để học và nghiên cứu sâu hơn nữa về lĩnh vực của mình đã học để có được bằng cấp ngang với bằng đại học. Sinh viên các trường này cũng có thể chuyển tiếp sang học 2 năm cuối đại học và nhận bằng đại học.

Các trường cao đẳng kỹ thuật được bố trí trên khắp Nhật Bản và có xu hướng tiếp nhận sinh viên trong các vùng và khu vực địa phương xung quanh trường. Đến năm 2011 trên toàn quốc có 57 trường cao đẳng kỹ thuật với trên 230 ngành, trong đó trường quốc lập chiếm 51 trường, công lập 3 trường và tư lập 3 trường. Mỗi trường thường có từ 3 đến 5 khoa. Mỗi khoa có từ 1 đến 2 lớp, và mỗi lớp khoảng 40 sinh viên. Trong hai năm rưỡi đầu trong khóa học 5 năm, đào tạo cơ bản được tiến hành cùng với với việc bắt đầu đào tạo chuyên môn. Vì các tiến bộ của trường học, việc học chuyên môn được chú trọng. Năm học của trường cao đẳng kỹ thuật nói chung là giống như năm học ở các trường đại học, trừ kì nghỉ xuân ngắn hơn, khoảng 20 ngày.

Các môn học ở trường kỹ thuật cũng dựa trên cơ sở hệ thống học phần giống như trường đại học. Tuy nhiên có một vài điểm khác so với trường đại học. Ðể hoàn thành số học phần suốt 5 năm, các môn học được phân thành một đơn vị năm học, và vì thế nếu sinh viên không đảm bảo điều kiện lên lớp thì thậm chí chỉ trượt 1 môn thì cũng phải học lại toàn bộ cả năm đó (lưu ban). Những sinh viên tốt nghiệp các trường này dễ kiếm việc làm vì các xí nghiệp chế tạo, xây dựng có xu hướng thu nhận lớp sinh viên này do lương rẻ hơn mà tay nghề cao so với một sinh viên tốt nghiệp đại học.

Các trường trung học chuyên nghiệp

Hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp (Senshu gakko) được thiết lập năm 1976. Mục tiêu giáo dục của những trường này là đào tạo những người có kiến thức và kĩ năng chuyên môn phù hợp với từng lĩnh vực nghề nghiệp mà không cần phải có bằng cấp cao. Các trường này phải đảm bảo được tiêu chuẩn như sau: lớp học chính thức không ít hơn 40 sinh viên, khóa học yêu cầu không dưới 1 năm và số giờ giảng 1 năm không ít hơn 800 giờ. Các trường trung học chuyên nghiệp đã được xếp loại theo ba khóa đào tạo khác nhau theo điều kiện vào học như sau: các khóa học trung học phổ thông dành cho sinh viên đã tốt nghiệp trung học cơ sở, các khóa học trung cấp dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và các khóa học cơ sở cơ bản không cần có điều kiện nhập học. Các trường trung học chuyên nghiệp có các khóa học trung cấp gọi là Trường trung cấp (Senmon gakko).

Hiện có tới 5,1% học sinh theo học các trường trung cấp sau khi tốt nghiệp phổ thông, gần bằng số sinh viên theo học các trường đại học ngắn hạn. Các ngành có nhiều sinh viên nhất là xây dựng và kiến trúc, kỹ thuật điện và điện tử, công nghệ thông tin, tiếp theo là ngành y (như y tá) và các ngành thương mại (quản lý khách sạn, du lịch, thư ký và kế toán).

Sinh viên tốt nghiệp các khóa trung cấp được coi có trình độ tương đương với tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật. Từ tháng 6 năm 1994, các trường trung cấp đều phải cấp Chứng chỉ chuyên môn cho sinh viên tốt nghiệp. Gần đây, những sinh viên tốt nghiệp trung cấp cũng có thể chuyển tiếp vào học 2 năm cuối của một số trường đại học chấp nhận chế độ chuyển tiếp.

Thi du học Nhật Bản

Thi du học Nhật bản là kỳ thi được tổ chức để đánh giá năng lực Nhật ngữ và kiến thức cơ bản cần thiết để học ở trường đại học của Nhật cho du học sinh người nước ngoài muốn thi vào các trường đại học của Nhật.Về trường đại học của Nhật mà dùng kỳ thi du học Nhật bản để tuyển chọn du học sinh người nước ngoài vào học thì xem ở trang web của cơ quan hỗ trợ sinh viên của Nhật. Xin hỏi chi tiết tại cơ quan hỗ trợ sinh viên của Nhật.

  • Môn thi: ra đề Tiếng Nhật, vật lý, sinh vật, hóa học, môn tổng hợp, toán. Thi những môn mà trường đại học mình muốn vào qui định.
  • Ngày thi: Tháng 6, tháng 11 hàng năm (mỗi năm 2 lần)
  • Ngôn ngữ: Tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Chọn lúc ra đề dựa trên qui định của trường đại học mà mình muốn thi vào.Tuy nhiên, môn thi tiếng Nhật thì chỉ ra đề bằng tiếng Nhật.
  • Hỏi đáp thắc mắc: (Pháp nhân hành chính độc lập) Cơ quan hỗ trợ sinh viên của Nhật.http://www.jasso.go.jp/eju/index.html. Địa chỉ mail : eju@jasso.go.jp

Du học sinh tại Nhật Bản

Tổng quan

Nhật Bản đã có lịch sử tiếp nhận sinh viên nước ngoài trên 100 năm. Tại thời điểm năm 2011 có 110.278 sinh viên từ trên 160 nước và khu vực đang học tại các cơ sở đào tạo ở Nhật Bản. Số lượng này sau một thời gian chững lại trong thập niên 1990 đã tăng trở lại một phần nhờ chính sách mở rộng tiếp nhận sinh viên du học của Chính phủ Nhật.

Trên 92,4% (năm 2010) sinh viên đến từ châu Á trong đó hơn một nửa là sinh viên Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan. Chỉ có chưa đầy 10% sinh viên hưởng học bổng của Chính phủ Nhật Bản và hoặc Chính phủ nước mình, còn lại là các sinh viên theo các học bổng tư nhân và sinh viên du học tư phí.

Cùng với xu hướng quốc tế hóa, sự hiện diện của sinh viên nước ngoài tại các trường đại học hàng đầu của Nhật là khá rõ nét, đặc biệt trong các bậc học sau đại học. Sinh viên nhận được học bổng của Chính phủ Nhật hay chính phủ các nước, cũng như của các tổ chức quốc tế hay các quỹ học bổng tư nhân đều có xu hướng chọn các trường đại học hàng đầu tại các trung tâm đô thị lớn, nơi có điều kiện học tập và sinh hoạt ưu việt hơn. Tại các trường này, sinh viên quốc tế có thể sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu và làm luận án khoa học, cũng như dự các tiết học được giảng bằng tiếng Anh. Một số trường thậm chí có chương trình dành riêng cho sinh viên quốc tế. Số lượng sinh viên nước ngoài tại vùng thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận chiếm khoảng 50% tổng số, trong khi tại Osaka và các tỉnh phụ cận chiếm khoảng 20%.

Mặt khác, cũng tồn tại không ít các trường đại học của Nhật Bản tìm mọi cách thu hút sinh viên nước ngoài vì mục đích kinh tế. Do số trường đại học tăng nhanh trong khi số học sinh tốt nghiệp phổ thông lại theo chiều hướng giảm, nhiều trường đại học tư lập ít danh tiếng tại các địa phương rơi vào tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng. Để bù vào sự thiếu hụt sinh viên người Nhật, các trường này buộc phải tìm cách nhận sinh viên người nước ngoài, mà chủ yếu là sinh viên Trung Quốc. Thậm chí có trường tỉ lệ sinh viên Trung Quốc vượt trên 90% tổng số sinh viên theo học. Không ít sinh viên trong số này du học cũng đơn thuần vì mục đích kinh tế. Sau khi có được tư cách cư trú hợp pháp, họ tập trung làm thêm để kiếm tiền trả nợ và dành dụm tiền để trở về. Việc học tập được đặt xuống hàng thứ yếu. Năm 2011, tỷ lệ sinh viên theo các ngành khoa học xã hội là 42,7%, khoa học nhân văn là 16%, kỹ thuật là 19%, còn lại là các ngành học khác.

Du học sinh Việt Nam

Sau khi Việt Nam thống nhất, số du học sinh Việt Nam tới Nhật chỉ nhỏ giọt cho tới năm 1988, khi Nhật mở lại các chương trình học bổng cho sinh viên bậc đại học, cao đẳng và sau đại học. Cũng từ thời gian này, bắt đầu xuất hiện lại hình thức du học tự túc. Sau đó, số du học sinh Việt Nam liên tục tăng cùng với sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, số sinh viên Việt Nam tại các trường Nhật Bản đã đạt 3597 người vào năm 2010.

Hiện nay, sinh viên Việt Nam có mặt tại hầu hết các trường đại học lớn tại Nhật Bản, tại các vùng từ Hokkaido, Tohoku ở phía bắc tới Kyushu, Okinawa ở phía Nam. Nhiều cộng đồng sinh viên đã được hình thành và vào tháng 11 năm 2001, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đã chính thức được thành lập.

Hỗ trợ

Ở Nhật có chế độ học bổng và hỗ trợ học hành cho trẻ em của những gia đình gặp khó khăn trong việc học vì lý do kinh tế.

Hỗ trợ học hành

Đây là chế độ hỗ trợ tiền cần thiết cho việc học cho những quý vị phụ huynh có con đang theo học tại các trường tiểu học và phổ thông cơ sở của Nhật mà gặp khó khăn trong việc cho con đi học. Khi gặp khó khăn trong việc trả các khoản tiền như tiền mua đồ dùng học tập, phương tiện đi học, phí hoạt động ngoài trường, phí du lịch học tập, tiền ăn …, hãy tư vấn với trường học hoặc ban giáo dục. Tuy nhiên, trong trường hợp nhận hỗ trợ thì có hạn chế về thu nhập. Ngoài ra, có những đoàn thể hỗ trợ tiền cho những phụ huynh quốc tịch nước ngoài có con đang theo học tại trường cho người nước ngoài. Xin hỏi chi tiết tại phòng hành chính khu vực nơi mình đang sống.

Học bổng

● Học bổng cho đối tượng là học sinh phổ thông trung học

Đây là chế độ cấp học bổng cho đối tượng là học sinh học ở trường phổ thông trung học, chuyên tu ham học nhưng gặp khó khăn trong việc học vì những lý do kinh tế. Nội dung cụ thể như điều kiện để được cấp học bổng, số tiền được cấp thì khác nhau tùy địa phương. Xin hỏi chi tiết tại trường mình theo học.

● Học bổng cho đối tượng là sinh viên các trường đại hoc ngắn hạn, chuyên tu và đại học

Trong chế độ học bổng cho đối tượng là sinh viên các trường đại hoc ngắn hạn, chuyên tu và đại học.v.v… có học bổng của cơ quan hỗ trợ sinh viên của Nhật. Thời gian và số tiền được cấp khác nhau tùy theo điều kiện của sinh viên. Và có 2 loại: Loại có lợi tức và loại không có lợi tức. Xin hỏi chi tiết tại bộ phận học bổng của trường mình theo học.

● Học bổng cho đối tượng là du học sinh

Chế độ học bổng cho đối tượng là du học sinh do chính phủ Nhật (Bộ giáo dục), cơ quan hỗ trợ sinh viên của Nhật, các đoàn thể tự trị địa phương và hiệp hội giao lưu quốc tế... thực hiện. Có thể xem qua về những chế độ học bổng này ở “Sổ tay học bổng du học sinh Nhật Bản” do cơ quan hỗ trợ sinh viên của Nhật phát hành hàng năm.

                                                                                                 ( Nguồn : sưu tầm )

Viết bình luận của bạn: